XtGem Forum catalog
tratuvi.mobie.in
Đại Phú Tại Thiên, Tiểu Phú Do Cần
TRANG CHỦ
Tử Vi   Phật Giáo   Góc Suy Ngẫm   Ngày Vía Thần Tài   Tạo Album Ảnh  
Truyện Teen   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Ảnh Comment   Hình Nền   Thủ Thuật FB   Tiền Ảo Bitcoin  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo 
.17:25 Ngày: 06/05/24 share: Chia sẻ trên Facebook

Sức mạnh của ý chí
HT. THÍCH TRÍ QUẢNG


Chúng ta nhìn về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và mở rộng là mười phương chư Phật, kế đến nhìn về chư vị Bồ tát, chư Hiền Thánh Tăng là những người đã vượt qua biển khổ trần gian và chứng Niết bàn. Nhìn thấy tấm gương sáng của các Ngài để chúng ta phát huy ý chí của chính mình cho đúng và đạt được những thành quả tốt đẹp trên bước đường tu hành.

Trước nhất, phải nghĩ đến Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; nếu căn cứ vào kinh Pháp Hoa, sẽ nhận thấy rõ Ngài đã từng nỗ lực thể hiện hạnh Bồ tát không biết mệt mỏi trong vô số kiếp quá khứ. Thật vậy, Trí Tích Bồ tát nói rằng không có chỗ nào nhỏ bằng hột cải ở thế giới Ta bà này mà Đức Phật không xả thân hành Bồ tát đạo. Chính sự giáo hóa độ sinh của Đức Phật từ kiếp xa xưa cho đến ngày nay và mãi về sau đã thể hiện sâu sắc ý chí cao thượng của Ngài vẫn còn tác động mãnh liệt trong trái tim và khối óc của mỗi người đệ tử trên khắp năm châu bốn biển.

Trong kiếp hiện tại, Đức Phật xuất thân là thái tử Sĩ Đạt Ta, đương nhiên bị hoàn cảnh nhung lụa bao bọc, nhất là tình cảm của những người thân thương dành cho Ngài và kế đến là quyền lợi thế gian cám dỗ. Nhưng ý chí mãnh liệt đã thúc giục Ngài vượt thành xuất gia, sống đời Sa môn khổ hạnh mà chắc chắn hàng phàm phu không thể làm nổi. Vì theo kinh nghiệm của riêng tôi, mặc dù xuất thân từ giai cấp thấp mà dấn thân hành Bồ tát đạo, khi gặp khó khổ còn không chịu đựng nổi, đôi khi có ý bỏ cuộc, trở lại đời thường. Nhưng nhờ biết nhìn lại tấm gương thánh thiện của Phật, tôi phấn đấu vượt qua, hoàn thành được trách nhiệm của người xuất gia. Vì vậy, mỗi lần gặp việc khó khăn, nguy hiểm, cám dỗ, tôi lại nhớ đến Phật đã từ bỏ cuộc sống cao sang, sống khổ hạnh; tại sao mình lại không noi theo Ngài. Đức Phật cũng dạy La Hầu La rằng những việc người ta làm được thì nhất định mình cũng phải làm được. Nhờ ý chí phấn đấu đó giúp chúng ta thành công.

Đêm thành đạo, Đức Phật diễn tả rằng các ma nữ và ma vương đã xuất hiện khuấy phá Ngài. Ma nữ tiêu biểu cho sự cám dỗ và ma vương tiêu biểu cho sự đe dọa. Không vượt được hai thứ ma này, chắc chắn bị lùi bước. Nhờ phấn đấu không mệt mỏi, Đức Phật thành đạo và nhìn lại đời quá khứ với sức phấn đấu mãnh liệt như thế nào mà Ngài vẽ ra bản đồ cho mọi người tu học, gọi là Đạo đế gồm có 37 trợ đạo phẩm. Thực tập 37 trợ đạo phẩm trong cuộc sống tu hành, từng bước chúng ta sẽ thấy đúng đắn, có được những kết quả vô cùng lớn lao, không thể diễn tả hết được.

Tôi theo tinh thần Đại thừa, nhưng không rời 37 trợ đạo phẩm (37 trợ đạo phẩm gồm có : Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ đề phần và Bát chánh đạo); vì đó là con đường xuyên suốt dẫn chúng ta đi từ phàm phu đến quả vị Thánh La hán. Trong 37 phẩm trợ đạo, chỉ có Tứ niệm xứ mở đầu và Bát chánh đạo cuối cùng là không có phần ý chí phấn đấu. Còn từ Tứ chánh cần cho đến Thất Bồ đề phần, hành giả phải nỗ lực tu tập, tức phải có ý chí. Thật vậy, thực hiện Tứ chánh cần là phải vận dụng ý chí của con người đến mức cao nhất trong lúc tu hành, tức bốn việc siêng năng phải làm mới đạt được kết quả tốt đẹp. Không có ý chí thực tập để đạt cho được pháp này, chắc chắn chúng ta không vượt qua được hàng phàm phu.

Tứ chánh cần là ý chí ban đầu, đối với những việc ác dù nhỏ hay lớn, nhất định chúng ta không làm; chủ yếu là những cám dỗ luôn gắn liền với lòng tham. Thực tập pháp này, tôi thấy rõ tánh tham ăn khó bỏ, lại gặp hoàn cảnh đói khổ, nên lòng tham ăn lại bộc phát cao hơn. Vì vậy, từ bỏ đời sống vật chất và dấn thân vào đời sống tâm linh đối với tôi lúc bấy giờ là vấn đề cam go, nên tôi phải cố gắng. Tôi thấy các huynh đệ không đi xa trên đường đạo được vì thích đi cúng, mới có thức ăn ngon và có tiền bạc. Nếu chuyên tâm tu hành, lễ sám, tham thiền, thì không có tiền, không có thức ăn; nhưng cố gắng phấn đấu, tôi vượt qua những thứ cám dỗ này để tiến tu.

Đức Phật đã từ bỏ ngôi vị cao sang và tiền bạc, Ngài sống đời Sa môn khất thực để tìm đạo. Nếu chúng ta đi ngược lại con đường của Phật đã đi, mà xưng là trưởng tử Như Lai thì tội lỗi quá. Tỳ kheo không học, không tu, chắc chắn Phật pháp suy đồi. Vì vậy, Đức Phật nhắc nhở Tỳ kheo thường tu tinh tấn không ngừng, tức ý chí của mình cố gắng vươn lên. Khi tôi vượt qua được một việc khó, thì luôn chuẩn bị tinh thần rằng sẽ có một việc khác khó hơn sẽ đến với mình.

Ở Nhật tu học, tôi thấy trên cái mõ có khắc hình con cá chép tiêu biểu cho sức mạnh của ý chí người tu. Mỗi ngày đánh mõ, cảnh giác chúng ta phải tinh tấn lên, phải có ý chí, ví như con cá chép thấy thác là vượt qua, gọi là cá hóa rồng, tiêu biểu cho người tu đi ngược dòng sinh tử, vượt qua thác ghềnh để trở về nguồn cội của tâm trí. Chúng ta đã chọn cuộc hành trình đi ngược như vậy thì phải chấp nhận gian lao thử thách là điều tất yếu.

Tôi thấy những người yếu hèn ngồi chờ thời, việc gì sướng, được nhiều quyền lợi mới chịu làm. Học về cuộc đời của Đức Phật, chúng ta thấy Ngài đã từng xỏ kim cho một bà già ngồi bên vệ đường. A Nanhỏi Phật rằng Ngài là bậc tối tôn cao quý nhất, tại sao lại làm việc tầm thường như vậy. Phật dạy rằng gặp hoàn cảnh như vầy, không làm việc này thì còn việc tốt nào khác để làm. Đó là sức tinh tấn của Phật, gặp việc thiện dù nhỏ đến đâu, cũng tinh tấn làm, tất cả mọi việc thiện nhỏ hay lớn, Đức Phật đều đã thực hiện trọn vẹn.

Đối với tôi, chỉ cần học và làm việc là đủ. Nếu không được như vậy, tôi thấy cuộc đời mình vô nghĩa. Vì vậy, tôi hạ quyết tâm học và thành quả của việc học đã giúp tôi làm việc được. Đương nhiên việc lớn nhỏ chúng ta đều làm. Đối với việc khó, tôi cảm thấy nhờ đó mà tôi phát huy năng lực và trí tuệ; vì không có khó thì không khôn. Trên bước đường tu, càng khó, ý chí chúng ta càng vươn cao. Giống như người chơi thể thao môn nhảy sào, họ để cây sào chắn ngang cao 1m và nhảy qua được thì họ lại nâng cây sào cao hơn; như vậy, thể lực và ý chí mới tăng thêm. Thiết nghĩ chúng ta tu hành không sợ khó, chỉ sợ mình thiếu ý chí. Có ý chí thì việc khó cũng thành dễ.

Cái khó của chúng ta so với Hiền Thánh chưa thấm đâu. Việc bình thường ở thế gian này mà không vượt được, sao có thể làm Hiền Thánh. Những việc khó là thử thách cho chúng ta vượt qua để lên Hiền Thánh, việc càng khó chừng nào, ý chí chúng ta càng cao và trí khôn của chúng ta càng lớn.

Tu Tứ chánh cần phải lấy hạnh tinh tấn, tức ý chí là chính. Việc ác nhỏ hay lớn đều cương quyết dứt bỏ; lòng tham dù nhỏ hay lớn cũng phải đoạn sạch. Thực tập pháp này, tôi có suy nghĩ, lúc nhỏ háu ăn, mới vào chùa lên quả đường, bốn người chung một mâm cơm, có một miếng đậu hủ cắt làm bốn. Một hôm, có một thầy bị bệnh vắng mặt, tôi lật đật gắp hai miếng đậu hủ vô bát mình, nghĩ như vậy cũng không tham, vì mình có lấy mất phần của ai đâu. Nhưng ăn xong, đọc lại Tứ chánh cần, tôi cảm thấy xấu hổ. Tôi cố gắng thực hiện pháp này, bằng cách chuyển đổi tâm tham ăn, dù có thèm chảy nước miếng cũng không ăn, phấn đấu một tuần ăn cơm không.

Tôi tinh tấn sử dụng ý chí để đoạn trừ lòng tham ăn và đoạn được thì thấy lòng mình thanh thản, phát hiện ra rằng cơ thể không đòi hỏi nhiều như mình tưởng. Khi tham ăn thì có bao nhiêu thức ăn cũng không thấy đủ; nhưng đoạn lòng tham rồi, tâm cảm thấy nhẹ nhàng. Vì ý chí thay đổi thì tâm thức cũng đổi theo, khiến cho mình rất an lạc, thấu hiểu được lời Phật dạy rằng ăn để sống và sống để tu, không phải sống để ăn. Ăn vừa với những gì mình có, thậm chí ăn ít hơn, là kinh nghiệm đầu tiên có được khi tôi thực tập pháp này.

Tuy việc ác thể hiện qua thân, khẩu và ý; nhưng theo Đại thừa, đoạn được ý ác, tức đoạn lòng tham bên trong là chính yếu. Còn tu Tiểu thừa, đoạn trừ việc ác của thân và khẩu bên ngoài trước. Thí dụ, mình đói do nhìn thấy thức ăn và ngửi mùi thức ăn; cho nên mình cách ly thức ăn, không thấy, không ngửi thì tâm thèm ăn không khởi lên. Vì vậy, đầu tiên tu Tiểu thừa, đoạn hoàn cảnh bên ngoài trước, như không có thức ăn thì mình không thèm ăn là việc bình thường. Còn có thức ăn ê hề, nhưng tôi tập nhịn đói, không ăn, là cách tu theo Đại thừa, tự điều chỉnh tâm mình không cho sanh khởi, không bị tác động bởi vật chất. Thực tập được pháp này, sẽ nhận thấy cơ thể chúng ta rất kỳ diệu, có khả năng điều chỉnh theo hướng tốt. Tu được một pháp này thôi, thân chúng ta đã được giải thoát.

Trong cái ác của ý có ba là tham, sân, si. Si là quyết đoán sai lầm, có thể gọi đó là ý chí. Ý chí  của ta được vô minh hướng dẫn thì rất nguy hiểm, nghĩa là tâm nhiệt tình, siêng năng nhưng do quyết đoán sai lầm sẽ đưa đến kết quả rất xấu. Vì vậy, Đức Phật dạy từ pháp Tứ chánh cần phải phát huy lên tụ thứ hai là Ngũ căn, tức năm căn lành là tín, tấn, niệm, định, huệ, để trở thành Hiền Thánh.

Gọi là "Căn”, vì ai cũng có tính chất này; nhưng vì chúng ta không thấy và không biết vận dụng Ngũ căn, mới thành chúng sinh đau khổ. Theo Phật, chúng ta nhận ra Ngũ căn và phấn đấu phát huy nó, tức là năm điều : Tín, tấn, niệm, định, huệ được ý chí hướng dẫn đúng đắn sẽ trở thành sức mạnh của chúng ta. Kinh Pháp Hoa ví người không biết sử dụng năm điều này như người có viên ngọc mà không biết hưởng, phải đi làm thuê mướn khổ cực. Phật hoàng Trần Nhân Tông diễn tả ý này là châu báu chất đầy nhà, nhưng không đem ra sử dụng.

"Căn” là phần căn bản mà ai cũng có, thường gọi là Phật tánh; nhưng phát huy được "của báu” này để làm Phật thì hiếm người làm được, mà nhận chìm nó xuống địa ngục là đa số chúng sinh thường làm. Vì chúng ta thường để lòng tham và sân hận chi phối, làm cho mất khôn, che mờ Phật tánh.

Đức Phật dạy năm điều kiện tiên quyết làm cho ông Phật của chúng ta sáng ra. Đầu tiên chúng ta có niềm tin, nhưng không khéo lại trở thành mê tín, cuồng tín; đó là con đường của tà giáo, ngoại đạo đi theo. Mê tín là tin những điều không có thật do mình tưởng tượng ra, như tin ông vôi ăn trầu và thờ ông vôi; vì thấy cái gì cũng nghĩ là thần linh, nên sợ hãi, dễ mê tín, thì sẽ bị ma quỷ nhiếp trì, đẩy vào con đường tà. Có người đến khóc và nói với tôi rằng bà nghe lời ông thầy bùa trục đứa con về, rồi nó chửi bà. Là mẹ, đáng lẽ bà phải biết tại sao đứa con hư hỏng, bỏ nhà đi và nên điều phục nó bằng trí tuệ; còn nghe lời thầy bùa, việc chẳng giải quyết được còn tệ hại thêm. Phật tử mà nhẹ dạ, dễ tin, sẽ bị người xấu lợi dụng, thậm chí thấy người nào mặc áo tu cũng tin theo, sẽ gặp thầy tu giả.

Trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy rằng niềm tin là mẹ sinh ra tất cả công đức lành; nhưng phải tin đúng Chánh pháp, phải có trí tuệ chỉ đạo. Nghĩa là do chánh niệm sinh ra định và từ định phát huệ, có nhận thức đúng. Nói cách khác, Niệm, Định, Huệ chỉ đạo cho niềm tin. Đức Phật nói rằng Ngài là Phật vì việc làm, lời nói và hành động đều do trí tuệ chỉ đạo. Theo Phật, chúng ta phát huy năng lực của trí tuệ để quyết định đúng đắn, không bị người khác lợi dụng.

Trong ngũ căn, trước nhất chúng ta có niềm tin và Phật dạy chúng ta tin Phật, tin Pháp, tin Tăng và kế đến là tin mình cũng sẽ đạt quả vị Phật giống như Phật; nên phấn đấu tu hành. Đức Phật không còn trên cuộc đời, nhưng chúng ta tin rằng Ngài đã thành Phật và lời dạy của Ngài hoàn toàn đúng đắn, rất đáng trân trọng, đáng tham khảo để chúng ta ứng dụng trong cuộc sống mình. Như vậy, Phật và Pháp là một. Tuy sanh thân Phật mất, nhưng Pháp thân Phật vẫn còn trong tam tạng Thánh điển, mà Phật giáo Phát triển gọi là giáo pháp Pháp thân. Pháp thân của tất cả những người tu hành trên khắp năm châu bốn biển cộng với kinh điển mới tạo thành sức sống của Phật pháp; còn kinh để trong tủ là Pháp, nhưng chưa có tác dụng. Pháp của Phật phải được thể nghiệm trong cuộc sống của chúng ta thì Phật pháp mới còn. Chùa này có cho các Phật tử tu học là nhờ các Hòa thượng tu theo giáo pháp Phật và thực hiện hạnh Bồ tát, tổ chức khóa tu này. Như vậy, chùa được xây dựng lên và khóa tu này có ra cũng đều từ Pháp của Phật. Đạo tràng chúng ta thực sự được an lạc, thể hiện Pháp thân Phật tồn tại. Tồn tại của chúng ta là tồn tại của Phật pháp, là thường trụ Pháp thân vậy.

Tin Phật, tin giáo pháp Phật ứng dụng lợi lạc trong cuộc sống và tin Tăng không phải là tin ông thầy tu. Tăng là Tăng đoàn, là Giáo hội, là tập thể người tu. Phật dạy chúng ta chưa làm Phật, thì phải tin Tăng là tin vào tập thể người tu. Tôi có kinh nghiệm này và nguyện gắn liền cuộc đời mình với Tăng đoàn, luôn ép mình trong tập thể, vì nhờ ý kiến nhiều người làm cho tôi sáng ra. Niềm tin của tôi luôn kiên định ở giáo lý Phật, ở sự hòa hợp của Tăng Ni và Phật tử, tạo thành sức mạnh cho chúng ta vững tâm tu học.

Niềm tin phát huy đúng là nhờ có niệm, định và huệ. Niệm là sức bình tĩnh, là đem tâm đặt vào thực tế, đừng lý tưởng hóa, đừng viển vông ước mơ Cực lạc thiên đường ở đây. Phải thấy rõ ở chùa Phổ Quang này, làm được gì thì phải làm. Tôi quan sát thấy giảng đường này chứa được khoảng một ngàn Phật tử về tu học và tôi có thể đài thọ khẩu phần cho họ. Phải ghi nhận công đức lớn của thầy Nhật Từ trong những ngày đầu đã lo khẩu phần ăn cho đại chúng.

Cái đầu lý tưởng của chúng tôi là vậy, nhưng phải kéo xuống thực tế là đi bằng chân và làm bằng tay. Tay chân là người hợp tác với chúng tôi có hay không. Có người tới tu học và có các giảng sư hướng dẫn, như vậy là ổn rồi. Có thể hiểu rằng "Niệm” là kéo lý tưởng về thực tế, sinh hoạt tu học ở Việt Namthì phải khác với ở Nhật Bản chứ.

Có "Niệm”, tức sự tập trung tư tưởng, mới tiến đến "Định”; nghĩa là ta vượt từng giai đoạn một, gọi là "Phá địa ngục muôn trùng kiên cố”, tức xuyên qua lớp vô minh dày đặc để đến được với Phật tánh. Học Phật pháp với nhận thức bình thường là bước đầu chúng ta dùng chất xám để đọc tụng kinh điển và hiểu nghĩa kinh. Nhưng tiến tu, vào định được thì sử dụng chất trắng, gọi là vô niệm để đọc được chân kinh của Phật. Đức Phật đã khẳng định rằng những gì Ngài nói ra cho chúng ta hiểu được ví như nắm lá trong tay; còn những gì Phật không nói bằng lời được, nhưng Phật nói bằng tâm ví như lá trong rừng tràn đầy sức sống vì xanh tươi bốn mùa, không phải là nắm lá khô chết trong tay. Nhận thức cốt lõi này của giáo pháp, chúng ta cần có tâm thanh tịnh để nghe pháp âm vi diệu của Phật, được Trí Giả đại sư gọi là không nghe mà nghe. Vì không nghe trực tiếp từ Phật, không thấy Phật, nhưng thấy Pháp thân và nghe Pháp thân thuyết pháp.

Nhưng muốn thấy và nghe Pháp thân, chúng ta phải vào định và phải thực tập bốn cấp bậc là Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Tầng vô minh thứ nhất chúng ta xuyên qua được thì chứng Ly sanh hỷ lạc. Nghĩa là phải từ bỏ cuộc sống vật chất thế gian, tâm chúng ta mới định, đầu tiên là quên cơm ăn, chỗ ngủ, quên tất cả mọi thú vui của thế gian, tới cuối cùng quên luôn chúng ta có thân xác này, là vong ngã, mới sống với tâm của mình. Thực tập pháp này, có lúc tôi quên ăn, nhưng không cảm giác đói; quên uống nhưng không khát, quên ngủ nhưng không mệt, là thoát khỏi sự chi phối của cuộc sống vật chất mới đi vào đời sống tâm linh. Có được sự an lạc ngoài vật chất, ngoài sự khen chê, ngoài sự ăn uống, ngủ nghỉ, đó là tâm an lạc của người tu. Còn người thế gian muốn thân an lạc, họ phải ăn no ngủ kỹ, phải có những tiện nghi vật chất, thậm chí phải ăn chơi trác táng; nhưng lao đầu vào sự hưởng thụ vật chất nhiều chừng nào thì  tâm họ càng mệt mỏi, rối bời, điên đảo, khổ đau, chứ chẳng có chút gì an lạc cả.

Chúng ta tu an lạc, tâm từ bỏ vật chất, để có thân thứ hai gọi là cái thân ngoại vật, hay Pháp thân của mình, thì không còn cảm giác bệnh hoạn, già yếu. Pháp thân có đặc tính trẻ mãi, không già là như vậy. Và đặc tính thứ hai của Pháp thân là sống hoài, không chết. Những bậc chân tu, hay các Thiền sư đắc đạo thâm nhập Thiền định, không ăn không ngủ cho đến thân xác khô, thể hiện phương cách rời bỏ thân tứ đại một cách nhẹ nhàng, tự tại; như vậy là chấm dứt đời sống của thân vật chất, nhưng sống mãi với Pháp thân của họ.

Ly sanh hỷ lạc là niềm vui ở bên ngoài, tiến đến Định sanh hỷ lạc là nguồn vui trong Thiền định, vui trong việc thể nghiệm pháp tu của chúng ta, mà người ngoài cuộc không thể biết được. Thiền sư thường mỉm cười yên lặng vì họ phát hiện được những điều kỳ diệu bên trong là nguồn cội tạo nên sự sống cho muôn vật bên ngoài. Kinh thường ví người hưởng được thiền vị, chỉ riêng họ cảm nhận nguồn vui như thế nào, giống như người uống nước biết được nước ngọt hay mặn, nóng hay lạnh… người ngoài làm sao biết được.

Và đến tầng định thứ ba là Ly hỷ diệu lạc, hành giả có nguồn vui sâu lắng trong tâm. Sau cùng là Xả niệm thanh tịnh, tâm hành giả hoàn toàn thanh tịnh, vì không còn gợn lên một chút ý niệm nào cả. Ông Kamala dạy thái tử Sĩ Đạt Ta tu hành trải qua bốn tầng Thiền như vậy và Ngài chỉ thực tập liên tục một tuần là đã thâm nhập được bốn cảnh giới này. Ngài hỏi Kamala vào được bốn tầng Thiền này thì tu cái gì nữa. Ông đành im lặng.

Với trí tuệ của đấng vô sư tự ngộ, Đức Phật nỗ lực tu hành, tinh tấn một cách đặc biệt. Nhờ sức tinh tấn có chánh niệm và định lực, Ngài phát huy được tuệ giác ở bậc cao tột, thấu tận nguồn tâm, mới quan hệ được với chư Phật mười phương và chư Thánh Hiền. Và từ mối tương quan vô hình hoàn toàn tốt đẹp như thế, trở lại thực tế cuộc đời để giáo hóa độ sinh, Đức Phật đã quy tụ được tất cả mọi người hữu duyên đến tu học với Ngài, tạo cho Ngài sức mạnh vô song. Thật vậy, trên bước đường vân du hóa độ, chỉ với một y một bát, không một tấc sắt trong tay, mà chẳng có kẻ ác nào xâm hại được Phật, Ngài còn chuyển hóa được hàng ngoại đạo, những kẻ gian ác sống theo Chánh pháp của Ngài.
Học theo gương sáng của Đức Phật, chúng ta cần thể hiện pháp hành tinh tấn, hay ý chí cao tột khởi nguồn từ niềm tin chân chánh và được sự chỉ đạo của chánh niệm, Thiền định và trí tuệ, chúng ta sẽ vững bước tiến mãi trên con đường giải thoát, giác ngộ cho đến ngày thành tựu quả vị Vô thượng Bồ đề.

Phật Giáo Trong Cuộc Sống


Ý nghĩa hai chữ tu hành
Hiểu đúng nhân quả nghiệp báo
Có địa ngục không?
Ý nghĩa chữ tu
Làm lại cuộc đời
Hạnh phúc từ những điều bình dị
Vượt qua trầm cảm
Trút bỏ gánh nặng
Sức mạnh của ý chí
Thân phận con người
Vượt qua bệnh tật
Họa phước vô môn
Phòng Hộ Tâm
Hướng Về Tương Lai
Phát Khởi Lòng Kham Nhẫn
Điều Chỉnh Áp Lực Cuộc Sống
Đời Sống Đạo Đức
Giao Tiếp Bằng Trái Tim
Đời Sống An Lạc
Dọn Rác Trong Tâm
Suy nghĩ về kiếp người
Báo Hiếu Cha Mẹ Theo Phật Dạy
Tấm lòng bao dung
Quán Nhân Duyên
Tìm Lại Chính Mình
Đạo Phật Đào Tạo Để Sử Dụng
Chọn Pháp Môn Tu Để Giải Thoát
Nguồn Mạch Tâm Linh
Lắng Nghe Tâm Mình
Báo hiếu theo Kinh Vu Lan
Vượt Qua Cám Dỗ Danh Vọng
Trái Tim Nhân Từ
Yếu Tố Sống Hạnh Phúc

Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

044

 Chong Chóng chỉ quay khi Trời xanh có gió
        Và anh sẽ cười khi nơi đó có em.


TRANG CHỦ
Tử Vi   Góc Suy Ngẫm   Phật Giáo   Ngày Vía Thần Tài  
Truyện Teen   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Ảnh Vui   Hình Nền   Thủ Thuật FB  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo 

 Mọi thắc mắc xin liên hệ theo số điện thoại: 0902257684 (Tin nhắn) hoặc facebook https://m.facebook.com/tuvidauso


 Bạn đang truy cập http://tratuvi.mobie.in




C-STATU-ON1