Phật Giáo Trong Cuộc Sống Chong Chóng chỉ quay khi Trời xanh có gió Mọi thắc mắc xin liên hệ theo số điện thoại: 0902257684 (Tin nhắn) hoặc facebook https://m.facebook.com/tuvidauso Bạn đang truy cập http://tratuvi.mobie.in
(Bài giảng khóa tu Một ngày an lạc lần thứ 271 ngày 18-5-2014 tại chùa Phổ Quang, Q.Tân Bình)
GN 775
Chủ đề này là những yếu tố làm cho chúng ta có đời sống hạnh phúc. Ở đây, chúng ta chia ra hai thứ hạnh phúc là hạnh phúc ở trên thế gian và hạnh phúc xuất thế gian. Và nâng lên một bậc, kết hợp hạnh phúc thế gian và hạnh phúc xuất thế gian, chúng ta có hạnh phúc của các vị Bồ-tát. Bồ-tát tu hạnh xuất thế, nhưng các ngài sống nhập thế, tức ở trong thế gian, vì thực chất các ngài hành đạo trong thế gian và thành Phật cũng trong thế gian.
Phật dạy trong kinh Hoa nghiêm rằng nếu không có thế gian, các Bồ-tát cũng không có cơ sở để hành Bồ-tát đạo và cũng không có Đức Phật nào chứng được Niết-bàn, đó là cốt lõi của đạo Phật.
Hạnh phúc thế gian và hạnh phúc xuất thế gian nằm trong vòng tương đối, nhưng hạnh phúc của chư Phật và Bồ-tát thì tuyệt đối là điều chúng ta cần suy nghĩ để nắm bắt được yếu chỉ này mà thực tập trong cuộc sống sẽ thấy được hạnh phúc.
Người thế gian thường nghĩ khi chúng ta được hạnh phúc là cái cung lớn hơn cái cầu, tức là mong muốn ít, nhưng điều kiện tốt tới với chúng ta nhiều. Như vậy có đúng không? Thiết nghĩ trên cuộc đời này đâu có ai đạt được mục đích này; vì ham muốn lớn, yêu cầu của chúng ta lớn, nhưng đáp ứng yêu cầu này không lớn, nên cầu luôn lớn hơn cung. Vì vậy, người thế gian luôn thấy không hạnh phúc, hay bất hạnh.
Có người nói hạnh phúc rất ngắn ngủi, nó trôi qua đi và để lại cho chúng ta những ngày bất hạnh; điều này thực cũng đúng một phần. Hạnh phúc ngắn ngủi này do từ đâu mà ra. Do phước báo đời trước, do nhân duyên đời trước của chúng ta làm thiện, nên hạnh phúc ngắn ngủi này tới với chúng ta và hưởng hết rồi thì bất hạnh lâu dài sẽ xuất hiện.
Đức Phật hiện thân trên cuộc đời là thái tửđược mọi người yêu thương, quý trọng, nên tất cả tiện nghi vật chất làm cho con người sung sướng thì vua cha đều đáp ứng đầy đủ cho Ngài. Chẳng hạn như mỗi mùa xuân, hạ, thu, đông, Ngài đều có tòa lâuđài thích hợp để ở. Sống như vậy là quá hạnh phúc rồi, nhưng Phật có trí tuệ mới nói rằng hạnh phúc hôm nay có được rất ngắn ngủi, sẽ có bất hạnh đi theo sau. Vì trong khi hưởng hạnh phúc này, chúng ta đã tạo nên những yếu tố bất hạnh, nên bất hạnh phải đi theo. Nếu ta hành Bồ-tát đạo mà có được hạnh phúc thì nên khéo léo sử dụng nó để xây dựng hạnh phúc kế tiếp, tất nhiên sẽ không có bất hạnh. Đời trước đã tu tạo phước báo, nên đời này có hạnh phúc là khỏe mạnh, thông minh; nhưng nếu không tiếp tục tu tạo những điều mang tới hạnh phúc thì đến khi hưởng hết hạnh phúc này, tai họa sẽ tới.
Đức Phật Thích Ca đã thấy biết và nói rằng dòng họThích Ca được xã hội quý trọng vì ông cha của dòng họnày đã dày công xây đắp nên. Thật vậy, phần nhiều chúng ta sanh ra được hưởng phước báo của đời trước, nghĩa là ông cha tiên tổ của chúng ta đã làm nên cho chúng ta hưởng. Dòng họ Thích Ca đã hưởng phước của ông cha họ tạo quá nhiều, nên bất hạnh sẽ tiếp theo sau. Đức Phật Thích Ca thấy điều này, mới sai Ca Lưu Đà Di điều tra và biết được thành phần giai cấp tu sĩ Bà-la-môn và Sát-đế-lợi đã hưởng thụ nhiều, nhưng họ không tạo ra được lợi ích gì cho xã hội. Trong khingười tạo ra của cải là giai cấp thợ thuyền, công nhân, người làm thuê mướn và giai cấp nô lệ, nhưng họ lại không được quyền hưởng thụ và đó cũng chính là nguyên nhân dẫn tới bất hạnh. Thật vậy, hai giai cấp Bà-la-môn và Sát-đế-lợi đã hưởng phước quá nhiều, họ quen cách sống ăn trên ngồi trước nên sanh tâm xem thường người khác. Điều này đã dẫn tới hậu quả là vua Lưu Ly đã san bằng thành Ca-tỳ-la-vệ và giết sạch dòng họ Thích Ca. Đức Phật có trí tuệ, nên Ngài thấy trước hậu quả bất hạnh này đi tới. Theo cái nhìn của Phật, Ngài thấy sâu xa hơn, dù có được sung sướng hiện tại, nhưng hạnh phúc vật chất chắc chắn không lâu dài trong cuộc sống, chỉ được nhứt thời và hậu quảkhông lường trước được. Chúng ta thấy trong thực tế cuộc sống, người giàu sang sung sướng, nhưng họ hưởng được bao lâu và sau đó, cuộc đời họ ra sao. Vì vậy nói rằng sanh già bệnh chết của con người là nỗi khổ lớn. Riêng tôi hiểu nghĩa chữ sanh là cuộc sống của chúng ta, không phải mở mắt chào đời là sanh. Mở mắt chào đời là đi vào cái khổ của cuộc sống, nhưng đối với cái khổ trong cuộc đời, nếu chúng ta biết điều chỉnh hợp lý cũng có được hạnh phúc bằng cách Phật dạy chúng ta cắt bỏ ham muốn không cần thiết, không hợp lý, không thực tế. Phần lớn chúng ta ham muốn không thực tế thì làm sao hạnh phúc tới.
Vì vậy, yếu tố làm chúng ta bất hạnh phát xuất từ lòng tham. Còn yếu tố dẫn đến hạnh phúc trong đời sống của chúng ta là gì?. Đó chính là lòng thương người, biết kính trọng người khác, biết chia sẻ quyền lợi hợp lý cho người khác. Vì chúng ta biết chia sẻ, giúp đỡ người chung quanh thì đó là hạnh bố thí của Bồ-tát. Người nhận được lòng tốt của chúng ta, họ biết ơn cái tốt của chúng ta; nhưng nếu quý vị bố thí mà không có lòng tốt, không thương người, lại khinh người, chắc chắn hậu quả không tốt. Còn Bồ-tát hành bố thí, phát tâm từ lòng thương người thực sự, kính trọng người thực sự. Thử nghĩ coi chúng ta cho nhưng xem thường họ, họ quý ta không. Trong lúc ta chưa cho, nhưng quý trọng họ, chắc chắn họ vẫn thương chúng ta. Tôi trải nghiệm điều này rõ, không có gì cho người, nhưng tôi có tình thương thực sự nghĩ tới mọi người, nên tôi được hạnh phúc, vì mọi người thương tôi, tôi thương mọi người. Chính tình thương này tạo cho tôi hạnh phúc ngay trong cuộc sống, chưa kể phần vật chất. Nếu lòng tốt của chúng ta có kèm theo vật chất được gọi là phước báo thì đương nhiên hạnh phúc này được nhân gấp đôi.
Khi tôi còn là nghiên cứu sinh ở Nhật, có một sinh viên y khoa không có tiền đóng học phí, bị đuổi học. Phát xuất từ trái tim, nên tôi đã cho anh này số tiền mà tôi để dành để anh đóng học phí. Khi tôi tốt nghiệp về nước, anh này ở lại Nhật. Nhờđược giúp đỡ, anh học thành tài, nên nhớ nghĩ đến lòng tốt của tôi mà anh cũng phát tâm giúp đỡ lại người khác. Anh là bác sĩ chăm sóc các cụ già và anh thao thức nghĩ đến ân nhân đã giúp đỡ anh khi còn là sinh viên, nên về Việt Nam anh cố tìm tôi. Tôi và anh gặp lại nhau nghĩa là hai trái tim gặp nhau ở tình thương. Anh nói với tôi rằng con chăm sóc người già là con nhớ tới thầy, nhớ tới Phật. Việc tôi giúp đỡ anh thì tôi đã quên, nhưng gặp lại anh khiến tôi cảm thấy hạnh phúc.
Có thể nói việc bố thí, cúng dường, giúp đỡngười trong hoàn cảnh khó khăn, những việc làm tốt đẹp này dẫn đến cho chúng ta hạnh phúc thực sự trong cuộc sống. Nếu chúng ta giúp nhiều người mà họ thành đạt được và chúng ta thấy họ phát triển, họ tốt thì lòng chúng ta cảm thấy an vui hạnh phúc. Hạnh phúc do chính chúng ta tạo được, phát xuất từ việc chúng ta biết kính trọng người, biết giúp đỡ người. Và những điều mà chúng ta đã làm tốt đẹp cho cuộc đời, tốt đẹp với mọi người là yếu tố dẫn đến hạnh phúc. Thật vậy, khi chúng ta xử sự tốt với người thì người nghĩ về ta bằng tấm lòng tốt và người tới với ta cũng bằng tấm lòng tốt; chính điều đó làm cho chúng ta hạnh phúc. Còn nếu quý vị tạo ác nghiệp đời trước, lừa dối, hại người, chiếm đoạt tài sản của người, thì tái sanh trên cuộc đời này, luôn bị bất hạnh, tức gặp lại oan gia trái chủ đời trước, gặp nhiều người chống phá, không có người giúp đỡ thì chắc chắn là phải bất hạnh. Tôi gặp người giỏi, nhưng lận đận suốt đời. Tuy họ giỏi khôn, nhưng thiếu yếu tố để có đời sống hạnh phúc, vì đã tạo oan trái đời trước, nên gặp lại, người liền nghi kỵ, chống đối, chắc chắn không làm được.
GN 776
Đức Phật dạy chúng ta những yếu tố để được sống hạnh phúc trên cuộc đời này là gì? Đối với người bình thường, Phật dạy năm giới và thập thiện là yếu tố hạnh phúc trong chốn nhân thiên, là phước báo trên trời xuống đến phước báo loài người. Nếu tu theo kinh Dược Sư, khi chúng ta qua đời sẽ gặp được các vị Bồ-tát là Văn Thù, Quan Âm, Đắc Đại Thế, Vô Tận Ý, Bảo Đàn Hoa, Dược Vương, Dược Thượng, Di Lặc. Toàn là những Bồ-tát lớn, tức là người tài giỏi. Tại sao gặp các ngài? Vì chúng ta tu theo kinh Dược Sư, nhưng tu theo kinh Dược Sư, chúng ta phải làm gì mới gặp các ngài. Tôi thường nói tâm hồn lớn mới gặp nhau, tâm hồn nhỏ thì làm sao gặp Bồ-tát. Vì vậy, phải phát đại tâm và thực hành hạnh Bồ-tát mới có bạn lớn là Bồ-tát và Bồ-tát mới có khả năng đưa chúng ta về thiên đường hay về Cực lạc mới có thọ mạng lâu dài và hạnh phúc thực sự. Và khi ở thiên thượng hưởng hết phước, không đủ điều kiện ở đó nữa thì rớt lại nhân gian được làm Chuyển luân Thánh vương, nghĩa là được mọi người tôn kính, không ai chống phá mà ai cũng quý trọng ta. Lúc đó, người giỏi người tốt đều theo ta, hết lòng hỗ trợ, đương nhiên ta được an lạc và đất nước ta cai quản được thái bình. Sanh trên cuộc đời này, nếu chúng ta có đủ phước báo như vậy là nhờ bạn tốt giúp, nhưng phước này cũng do chúng ta tạo nên.
Thể hiện ý này, Đức Phật Thích Ca hiện thân trên cuộc đời thì tất cả các vua chúa ở Ấn Độ đều quy y với Phật, các hàng trưởng giả cũng quy y Phật, hàng trí thức cũng theo Phật, thậm chí Bà-la-môn ngoại đạo cũng theo Phật, nên nói rằng vị trí của Phật là vị trí của Chuyển luân Thánh vương, vì Ngài đã tạo yếu tố dẫn đến cuộc sống hạnh phúc, nên Ngài không cầu hạnh phúc, nhưng hạnh phúc thực sự luôn luôn đến với Ngài trên trần gian.
Đức Phật cho biết trong quá trình tu hành trải qua nhiều kiếp, Ngài chuyên thực hành ngũ giới, thập thiện và sáu pháp Ba-la-mật, đó là những yếu tố tạo nên hạnh phúc mà Đức Phật từng trải nghiệm. Nhưng hạnh phúc này không ngắn ngủi trong một kiếp người mà nó kéo dài theo mạng sống tương tục của Pháp thân Bồ-tát mà Ngài có, bỏ thân này thọ thân sau vẫn có phước báo này. Thật vậy, sở dĩ Đức Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp và có quyền thế, vì Ngài đã tu tạo trong quá khứ, không phải tự nhiên có được.
Theo lời Phật dạy, năm giới của người tại gia là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Nếu giữ được năm giới này, chúng ta sẽ có đời sống hạnh phúc thực sự. Thí dụ không tà dâm mới có được bạn đời chung thủy, hay phải sống chung thủy mới có hạnh phúc. Đức Phật nói rằng Da Du Đà La không phải kiếp này mới gặp Phật. Nhiều kiếp xa xưa bà đã từng gặp Phật. Đời đời sanh ra, họ cố hành thiện, tu phước, nhờ đó được gặp lại nhau.
Thực sự tất cả mọi người trên cuộc đời này có quan hệ với nhau là do từ kiếp trước đã có nhân duyên với nhau. Đức Phật dẫn chứng rằng Kiều Trần Như trong kiếp xa xưa là Ca Lợi vương đã xử lăng trì tiền thân Phật là Sằn Đề tiên nhân, nghĩa là vua lóc thịt từng mảng cho đến khi Ngài chết trong đau đớn, nhưng lòng Ngài không hề oán hận mà vẫn thanh thản. Ca Lợi vương thấy vậy mới khiếp sợ quá và Ngài đã phát nguyện khi nào thành Phật sẽ đến độ ông trước. Từ nhân duyên quá khứ xa xưa như vậy, khi Phật ở Bồ Đề Đạo Tràng thành Phật mới thấy mối liên hệ giữa mình với Kiều Trần Như, hay giữa Sằn Đề tiên nhân với Ca Lợi vương, cho nên từ Bồ Đề Đạo Tràng, Phật đến Lộc Uyển độ Kiều Trần Như đắc La-hán trước rồi mới làm việc khác.
Hoặc nếu không nói dối, chắc chắn được hạnh phúc, vì nói dối rất nguy hiểm. Cách đây mấy hôm, có anh công nhân trước kia làm ở chùa Huê Nghiêm, anh chỉ nói chơi một lời mà bị bắt nhốt mấy ngày. Anh có người bạn làm ở công ty Đài Loan, Bình Dương gọi điện thoại hỏi anh về vấn đề đi biểu tình. Anh nói tôi đang tham gia biểu tình, chuẩn bị đập phá. Anh chỉ nói chơi như vậy, chứ anh không đi biểu tình, tất nhiên không đập phá. Khi người bạn đi đập phá và bị công an bắt mới khai rằng anh xúi giục. Anh không xúi giục, chỉ nói chơi, nhưng họa tới. Phật tử phải cân nhắc, để khẩu nghiệp được thanh tịnh và cuộc sống không bị rắc rối thì không nói dối, không nói thêu dệt, không nói hai chiều, không nói lời hung ác. Tập theo Phật, nói lời chân thật, chúng ta yên tâm ngủ, được hạnh phúc. Người chuyên nói dối vì nói bịa đặt nhiều quá, nên quên, không nhớ mình nói gì và lời nói trước mâu thuẫn với lời nói sau. Khi nói thật, sự thật thế nào, chúng ta nói đúng như vậy, không cần suy nghĩ, không cần sửa đổi.
Tôi nhớ sau ngày giải phóng đất nước, Hòa thượng Quảng Độ là Tổng Thư ký Viện Hóa đạo. Tôi làm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên. Có một sư cô tự thiêu để phản đối. Tôi và Hòa thượng Quảng Độ đều đi tới đó và về lại Ấn Quang. Công an quận 10 mời tôi lên làm tường trình chuyện này suốt một tuần. Lần nào tôi cũng nói đúng sự thật, không khác, nên họ không bắt lên khai nữa. Còn nay nói vầy, mai nói khác, thì họ sẽ gọi lên điều tra hoài.
Đức Phật dạy rằng chơn ngữ giả, như ngữ giả, bất dị ngữ giả, bất cuống ngữ giả, nghĩa là sự thật thế nào thì nói đúng như vậy, không nói khác. Tôi thấy có người rất giỏi và khéo nói, nhưng dù khéo nói thế nào thì người ta cũng biết được họ gian dối. Người không chịu nhận mình sai, luôn bào chữa, nhưng theo tôi, nhìn quả thì biết nhân, nhìn cuộc sống của họ thì biết là người không đứng đắn, nhìn ánh mắt của họ là biết không lương thiện. Nếu là người tốt, người lương thiện thì không ra nông nỗi này.
Đức Phật dạy rằng năm giới là năm yếu tố giúp chúng ta có hạnh phúc trong cuộc sống thực sự. Yếu tố thứ năm là uống rượu. Uống rượu không phải là tội, nhưng là yếu tố dẫn đến tạo sai lầm, dễ tạo tội. Vì uống rượu nhiều hại sức khỏe, hại trí khôn và nếu trí kém sẽ dẫn chúng ta đến bất hạnh.
Ngoài năm giới, chúng ta tu thêm mười điều thiện, theo đó thân có ba điều thiện, miệng có bốn điều thiện và ý có ba điều thiện. Nhưng quan trọng là ba nghiệp của ý là tham, sân, si, cho nên phải thực tập cho được vô tham, vô sân, vô si. Nghĩa là chúng ta không có những ham muốn không thực tế, vì ham muốn ngoài khả năng của mình chắc chắn sẽ gặp bất hạnh. Nếu chúng ta luôn nhìn vào thực tế và sống với hoàn cảnh thực tế sẽ có được đời sống an lạc. Vì vậy, Phật dạy rằng Phật tử tại gia muốn có hạnh phúc, phải siêng năng làm việc để có thu nhập, vì đơn giản là nếu không có thu nhập, chắc chắn đời sống của chúng ta bị khó khăn. Và siêng năng làm việc có thu nhập thì nên biết sử dụng đồng tiền lương thiện do chúng ta kiếm được. Đồng tiền không lương thiện dĩ nhiên dẫn tới quả báo nguy hiểm. Thực tế chúng ta đọc trên báo chí đăng tin người kiếm tiền không lương thiện thì hậu quả là nhà tù mở cửa chào đón họ, những bản án đang chờ họ. Sự thật là như vậy.
Nếu chúng ta kiếm được đồng tiền lương thiện cũng đừng tiêu xài hết, hay tiêu xài quá mức kiếm được, vì không phải lúc nào cũng kiếm được. Xài vừa đủ số tiền kiếm được. Tôi qua Ấn Độ thấy dân Ấn có điểm đặc biệt khác với chúng ta. Có lần tôi đi với thầy Nhật Từ, thầy bảo anh chạy xe chở đi, nhưng anh không chịu chở. Một lát sau, anh cho xe chạy, thầy Nhật Từ gọi lại nữa nhưng anh không ngừng. Chạy được một đoạn đường, anh ngừng lại, thầy Nhật Từ mới chạy đến và leo lên xe, nhưng anh này vẫn ngồi im mỉm cười không chạy và nói tôi kiếm đủ tiền rồi, đang hưởng hạnh phúc. Người dân Ấn sống như vậy đó, họ kiếm đủ xài là không cần lo, không làm nữa.
Một lần khác, tôi đến chùa thầy Huyền Diệu ở Ấn Độ. Các Phật tử đi theo nghe nói anh làm vườn cho chùa mỗi ngày được một đô-la, nên tội nghiệp anh và họ hùn lại được mười đô-la đưa cho anh. Anh này liền vô xin phép thầy Huyền Diệu nghỉ mười ngày vì đã có mười đô sống đủ mười ngày rồi. Họ dành thì giờ để hưởng hạnh phúc. Sống tri túc theo Phật, có một đô thì sống với một đô, hoặc sống ít hơn một đô, để dành làm phước cho người, một phần phòng hờ lúc khó khăn bệnh hoạn, một phần để tái tạo lao động. Người biết sắp xếp đời sống như vậy, họ luôn được hạnh phúc dù giàu hay nghèo, vì không bị rơi vào tình trạng bất cập. Vì vậy, phải biết tích lũy, giữ gìn số tiền kiếm được, đương nhiên chúng ta sẽ có thặng dư trong cuộc sống thì giải quyết cuộc sống này tốt hơn.
Lúc ở Nhật Bản, tôi có người bạn là Phật tử rất tốt. Anh này đi làm về nhà nghỉ ngơi thấy được hạnh phúc của gia đình, vì gia đình là tổ ấm. Về Việt Nam, tôi có người bạn làm giám đốc thưa với tôi rằng con bất hạnh quá, vì làm việc ở cơ quan cực khổ, về nhà lại bị bà vợ dựng dậy, mười hai giờ đêm cũng không cho ngủ. Có nhà cửa, có tiền bạc, có địa vị, nhưng anh bất hạnh như vậy, vì anh thiếu chung thủy với vợ, nên vợ cứ hạch hỏi. Phật dạy rằng có đời sống hạnh phúc là đời sống an lành, vì vợ chồng tin cậy lẫn nhau, yêu thương, giúp đỡ nhau mới dẫn đến cuộc sống hạnh phúc thực sự.
Trong mười điều thiện, ba điều quan trọng thuộc về ý là không tham, không sân, không si. Không tham lam, lòng không ham muốn những gì vượt ngoài khả năng, vượt mức cho phép và chỉ làm những gì trong tầm tay. Trong đời tôi, tôi hạnh phúc, vì chỉ làm trong tầm tay, những gì ngoài khả năng, tôi không làm, ngoài hiểu biết là của người khác, thì không bao giờ tôi rơi vô tình trạng bị động. Tôi luôn chủ động trong cuộc sống của mình, nên tôi có hạnh phúc.
Ngoài không tham lam, điều thứ hai là không bực tức, vì ý thức rằng khi ham muốn không được sẽ sanh tâm bực tức mà xử sự thì hậu quả không lường được. Đối với tôi, bực thì không nói, không làm, vì không dại khờ đem bực bội của mình đưa vào lời nói, vào việc làm để dẫn đến hậu quả nguy hiểm. Thực tế trong cuộc sống cho thấy một ngôi chùa được xây dựng bằng lòng tham lam, bằng bực tức, thì người vô đây ở chắc chắn không tu được, chỉ có tranh chấp, buồn phiền. Theo kinh nghiệm của tôi, trên bước đường tu, đến đâu mà cảm thấy khó chịu thì tôi không ở, biết rằng nơi đó không phải là chỗ để tôi tu.
Khi bực tức nổi dậy, điều quan trọng là phải xóa bực tức này cho hết, tìm cách lý giải hợp lý nhất, bằng lòng nhất sẽ có trở lại đời sống hạnh phúc. Tham giận dẫn đến bất hạnh. Không tham, không giận, trí tuệ chúng ta phát sanh, thấy được sự thật của cuộc đời, thực ra tất cả mọi người đều đáng thương hơn đáng giận. Họ vì vô minh, vì tham vọng, vì thế này thế kia mà dẫn đến hậu quả thế này. Nếu biết hậu quả không tốt, họ đã không làm vậy.
Mười điều thiện dẫn đến hạnh phúc, căn bản từ không tham, không bực tức và có trí tuệ mới khởi tâm đại bi tìm cách giúp đỡ người. Và giúp được nhiều người trưởng thành, chúng ta đã tạo thêm được nhiều người bạn tốt với mình và chính điều đó làm cho ta cảm thấy hạnh phúc thực sự.
Ngoài ra, sáu pháp Ba-la-mật của Bồ-tát cũng dẫn mình đến hạnh phúc, trong đó có pháp nhẫn nhục của Bồ-tát là việc khó làm, nhưng nếu làm được sẽ có hạnh phúc vô cùng. Thật vậy, Đức Phật thuật lại rằng tiền thân của Ngài là Sằn Đề tiên nhân đã bị vua Ca Lợi sát hại, nhưng Ngài đã nhẫn nhục đến mức khiến cho ông vua này sanh tâm hối hận và kính trọng Ngài. Tuy xác thân của Sằn Đề chết, nhưng linh hồn Ngài đã thăng hoa, cộng thêm sự hồi tâm kính trọng của vua Ca Lợi đối với Ngài, đó là điều lợi ích nhất qua việc Ngài tu đúng pháp nhẫn nhục Ba-la-mật.
Sáu pháp Ba-la-mật mà Phật dạy Bồ-tát rất quan trọng, nhưng chủ yếu là trí tuệ Ba-la-mật, tức có cái nhìn chính xác mới biết chỗ nào nên nhẫn. Chỗ không nên nhẫn mà nhẫn, chắc chắn hạnh phúc khó tới. Trong sáu Ba-la-mật, Phật dạy bố thí làm đầu, nhưng ngài Trí Giả dạy phải có trí tuệ Ba-la-mật mới hành bố thí đúng pháp. Vì vậy, ngài kết hợp hạnh Thanh văn và Bồ-tát làm một, bảo rằng phải tu giới định tuệ để đạt đến đỉnh là tuệ mới quán chiếu cuộc đời sẽ thấy rõ chỗ đáng giúp, người đáng giúp. Không đáng giúp thì nên tránh. Bố thí mang họa hay bố thí sanh phước là điều cần cân nhắc; nhưng muốn cân nhắc phải có trí tuệ chỉ đạo. Phật làm Phật vì ba nghiệp thân khẩu ý của Ngài đều do trí tuệ chỉ đạo. Ngài nói rằng nếu có trí tuệ chỉ đạo, chắc chắn việc làm sẽ tốt và lời nói sẽ chính xác.
Vì vậy, Tăng Ni, Phật tử lấy trí tuệ làm sự nghiệp và từ đó chúng ta có thể hành sáu pháp Ba-la-mật, mười việc thiện và năm giới cấm thì trong đời này, chúng ta chắc chắn được hạnh phúc. Mỗi đời chúng ta làm được một số yếu tố tạo nên hạnh phúc thì đời nào chúng ta cũng được hạnh phúc. Đến khi đầy đủ phước đức, nhân duyên, hạnh phúc dâng trào đến độ cao là đạt được địa vị Chuyển luân Thánh vương, cho đến Niết-bàn, Cực lạc. Cầu Phật gia hộ cho tất cả mọi người đều đạt đến đỉnh cao mà chúng ta muốn đi tới./.
Ý nghĩa hai chữ tu hành
Hiểu đúng nhân quả nghiệp báo
Có địa ngục không?
Ý nghĩa chữ tu
Làm lại cuộc đời
Hạnh phúc từ những điều bình dị
Vượt qua trầm cảm
Trút bỏ gánh nặng
Sức mạnh của ý chí
Thân phận con người
Vượt qua bệnh tật
Họa phước vô môn
Phòng Hộ Tâm
Hướng Về Tương Lai
Phát Khởi Lòng Kham Nhẫn
Điều Chỉnh Áp Lực Cuộc Sống
Đời Sống Đạo Đức
Giao Tiếp Bằng Trái Tim
Đời Sống An Lạc
Dọn Rác Trong Tâm
Suy nghĩ về kiếp người
Báo Hiếu Cha Mẹ Theo Phật Dạy
Tấm lòng bao dung
Quán Nhân Duyên
Tìm Lại Chính Mình
Đạo Phật Đào Tạo Để Sử Dụng
Chọn Pháp Môn Tu Để Giải Thoát
Nguồn Mạch Tâm Linh
Lắng Nghe Tâm Mình
Báo hiếu theo Kinh Vu Lan
Vượt Qua Cám Dỗ Danh Vọng
Trái Tim Nhân Từ
Yếu Tố Sống Hạnh Phúc
Và anh sẽ cười khi nơi đó có em.
TRANG CHỦ
Tử Vi
Góc Suy Ngẫm
Phật Giáo
Ngày Vía Thần Tài
Truyện Teen
Mẹo Hay
Trà Sữa
Truyện Tranh
Ảnh Vui
Hình Nền
Thủ Thuật FB
Facebook
Xổ Số
Dịch
Tải Game
Báo
1