Old school Easter eggs.
tratuvi.mobie.in
Đại Phú Tại Thiên, Tiểu Phú Do Cần
TRANG CHỦ
Tử Vi   Phật Giáo   Góc Suy Ngẫm   Ngày Vía Thần Tài   Tạo Album Ảnh  
Truyện Teen   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Ảnh Comment   Hình Nền   Thủ Thuật FB   Tiền Ảo Bitcoin  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo 
.18:36 Ngày: 21/11/24 share: Chia sẻ trên Facebook

Tấm lòng bao dung
HT. THÍCH TRÍ QUẢNG


Hôm nay đến thăm trường hạ chùa Hội Khánh, tôi rất vui khi thấy Phật giáo tỉnh Bình Dương phát triển. Hồi tưởng lại lúc Phật giáo suy đồi là thời Pháp thuộc, lúc bấy giờ tôi xuất gia, tìm một trường hạ an cư không có, tìm một chùa để nghe pháp cũng không có. Vì vậy, vào thời đó, tuy xuất gia nhưng chỉ học được hai thời công phu và tụng kinh cầu an cầu siêu; còn khá hơn nữa là học ứng phú trai đàn. Cho nên ở thời Phật giáo suy đồi, khi người dân trông thấy hình bóng nhà tu thì liền nghĩ rằng trong xóm hay trong làng có người chết.

May mắn cho chúng ta trong đêm đen tối xuất hiện ánh quang mà tỉnh Bình Dương có Hòa thượng Từ Văn là vị Hòa thượng có uy tín, có học và Hòa thượng Minh Tịnh là đệ tử của Tổ Huệ Đăng. Hai vị Hòa thượng này là vì sao sáng trong miền Nam, từ đó mới gây dựng phong trào học Phật và trong thế kỷ qua, Phật giáo chúng ta từng bước phát triển, tôi cũng theo đó tiến thân.

Phải khẳng định rằng chúng ta có học và tu thì Phật giáo mới hưng thạnh. Thiếu học và tu, chắc chắn Phật giáo bị suy đồi. Nhắc đến lời di huấn của Phật, phải nghĩ đến việc học và tu. Học để tu. Kinh Pháp hoa đưa ra thí dụ một người chột mắt, một người què chân. Người mù ví cho người tu nhưng không có học. Người què thì có mắt nhưng không đi được. Người có mắt hay có học cứ thấy mình giỏi, hiểu biết nhiều, nên thường chê những người tu không học là người dốt. Còn người tu thì chê người có học chỉ là cái đãy sách hay chỉ nói suông. Chê bai như vậy dẫn đến sự kỳ thị và chống trái lẫn nhau. Lúc bấy giờ, Tổ Thiên Thai chuyên tu, uy tín của ngài nổi lên, nên các vị Tăng có trí tuệ tìm đến học. Và ở Sài Gòn có một người có học, nhưng không tu, nên họ thách Tổ Huệ Đăng vào Sài Gòn để tranh luận coi ai đúng ai sai. Người này có học nhưng thiếu tu nên chỉ thấy một phần nào đó mà không thấy được phần cốt lõi của pháp Phật.

Tổ Huệ Đăng đã trả lời bằng bài thơ rất đơn giản như sau:

Ta hồ mạt pháp đạo cơ hàn

Thị pháp du như hý luận tràng

Thủy kiệt trì biên bồi thổ vị

Vân thùy nhạc đảnh mích sơn nan

Hòa điền trùng giá đa đa kiến

Học thức bán lưu mịch mịch khang

Ngã thực bất tri hà hữu vấn

Tri chi phá pháp thị hà nhan.

"Ta hồ mạt pháp đạo cơ hàn” nghĩa là Tổ dạy rằng ở thời kỳ mạt pháp thì đạo yếu kém là việc bình thường.

"Thị pháp du như hý luận tràng”, cho nên người ta coi pháp là chỗ tranh cãi hơn thua.

"Thủy kiệt trì biên bồi thổ vị”, khi nước cạn thì đất lồi lên, còn nước sâu thì không thấy bờ đất, đó là việc bình thường.

"Vân thùy nhạc đảnh mích sơn nan”, khi mây phủ thì không thấy núi.

"Hòa điền trùng giá đa đa kiến”, ruộng mỗi năm đều cày cấy cũng là việc bình thường.

"Học thức bán lưu mịch mịch khang”, học thức bị mất phân nửa thì tìm lại rất khó.

"Ngã thực bất tri hà hữu vấn. Tri chi phá pháp thị hà nhan”, nghĩa là ta không biết ai là người hỏi, không biết mặt người này ra sao, nhưng nghiệm ra thì biết chắc rằng đây là người phá pháp.

Nếu hiểu bài thơ trên theo cách chữ đâu nghĩa đó như vậy thì không có gì hay. Vì vậy, học kinh Phật phải hiểu nghĩa sâu ẩn chứa bên trong và ứng dụng vào việc tu hành đạt được kết quả tốt đẹp mới đúng.

Hai câu đầu nói lên sự than thở của người có tâm vì đạo thấy thời mạt pháp, Tăng Ni không học không tu; đó là tình trạng của Phật giáo vào một trăm năm trước. Nhìn Phật cao siêu, nhưng tu sĩ lúc ấy không ra sao, quả là việc đáng buồn. Và người đời sau không tu, nên không hiểu nghĩa sâu của giáo pháp và cũng không ứng dụng vào cuộc sống để tu, nên không thấy kết quả. Vì vậy, Tổ chủ trương phải học và hiểu nghĩa sâu của kinh điển để ứng dụng vào việc tu hành là điều rất quan trọng đối với người tu.

Tổ Huệ Đăng là nhà cách mạng sau khởi nghĩa thất bại, ngài vào miền Nam và ẩn trên núi Chân Tiên. Một hôm nghe tiếng chuông chùa, ngài tỏ ngộ, mới lần vào chùa. May mắn ngài gặp được một bậc chân tu đắc đạo là Tổ Hải Hội. Và người đắc đạo thì có sức thuyết phục người khác một cách kỳ diệu. Thật vậy, nếu nhìn bên ngoài thì ai cũng như nhau, nhưng người có tu, có chứng thì hoàn toàn khác, là họ hiện được tướng giải thoát. Tu hành hơn nhau ở điểm đó.

Trong mùa An cư, chúng ta thúc liễm thân tâm để giới chuyển thành đức tỏa sáng trong cuộc sống. Thực tế chúng ta thấy người tu có đức hạnh thì ai cũng quý trọng. Ý này thể hiện rõ nét trong bước khởi đầu giáo hóa của Đức Phật. Khi Đức Phật tới Lộc Uyển, Ngài bảo năm anh em Kiều Trần Như chưa đắc đạo không được đi khất thực, phải tu đắc đạo trước đã. Vì theo Phật, đi khất thực không vì ăn, không vì đói. Đói khất thực là ngạ quỷ, là người ăn mày thực sự. Đi khất thực là mang hình bóng giải thoát vào làng cho người trông thấy phát tâm. Vì vậy, Phật bảo năm thầy Tỳ-kheo ở yên một chỗ, lo tu cho đắc đạo, đừng hý luận vô ích, chỉ thực tập bốn việc là quán Tứ niệm xứ: Quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã. Đó là bước ban đầu tu và tu cho đến đạt vô ngã, chứng được vô ngã là đến Niết-bàn, tức tâm an lạc và giải thoát. Chưa đạt được vô ngã, chưa đến Niết-bàn, còn đủ vui buồn thì đừng đi khất thực; vì đi khất thực mà người trông thấy không phát tâm còn sanh tâm hủy báng, làm như vậy là phạm tội phá pháp, một tội rất nặng.

Trong thời gian đầu, Đức Phật đi khất thực, nuôi năm Tỳ-kheo. Và sau ba tháng an cư, các vị này đạt đến vô ngã, tâm an lạc, thân giải thoát. Bấy giờ, Phật bảo mỗi thầy đi một hướng, vì hiện tướng giải thoát mới cảm hóa được người. Mỗi người đi một ngả và Mã Thắng đi xuống thành Vương Xá gặp Xá Lợi Phất là đại luận sư, không ai tranh cãi hơn ngài. Nhưng Xá Lợi Phất vừa trông thấy Mã Thắng hiện tướng giải thoát liền phát tâm và đi theo về tịnh xá, gặp Phật là ngài đắc quả A-la-hán. Vì vậy, đạo của chúng ta không phải hý luận, không phải tranh luận, nhưng cái đúng là giải thoát, cái sai là bị ràng buộc. Không nói nhưng thể nghiệm được pháp Phật trong cuộc sống, thầy nào được giải thoát hay bị hơn thua ràng buộc, công phu tu hành hơn nhau ở điểm này. Vào thời Phật tại thế, Bà-la-môn thường tranh chấp và cãi nhau để phân thắng bại, nhưng người thắng thì sanh tâm kiêu mạn, người thua thì đau khổ.

Hai câu thơ đầu, Tổ Huệ Đăng dạy rằng việc tu hành không phải nói chơi, nhưng truyền trao kinh nghiệm và hiểu biết để người sau học theo gương người trước.

"Thủy kiệt trì biên bồi thổ vị”, nếu viết chữ Hán thì chữ "Trì” mà bỏ chữ "Thủy” và thêm vào chữ "Thổ” sẽ thành chữ "Địa”.

"Vân thùy nhạc đảnh mích sơn nam”, chữ "Nhạc” mà bỏ chữ "Sơn” sẽ thành chữ "Ngục”.

"Hòa điền trùng giá đa đa kiến”, chữ "Hòa” mà bỏ chữ "Điền” và ghép vô chữ "Trọng, hay chữ Trùng”, sẽ thành chữ "Chủng”.

"Học thức bán lưu mịch mịch khang”, nếu chữ "Học” mà bỏ mất phần trên sẽ còn lại chữ "Tử”.

Như vậy, ráp lại bốn chữ mà Tổ muốn ám chỉ là "Địa ngục chủng tử” thì thử hỏi người đã có chủng tử địa ngục là hơn thua phải trái sắp bị đọa, như vậy còn thích tranh luận nữa hay không.

"Ngã thực bất tri hà hữu vấn. Tri chi phá pháp thị hà nhan”, nghĩa là Tổ không biết ai là người thách đố ngài tranh luận, nhưng nghiệm ra thì biết chắc đó là người phá pháp đã có hạt giống địa ngục.

Vì vậy, một bài thơ nếu hiểu theo nghĩa sâu sẽ khác với nghĩa đen. Thiết nghĩ trong mùa An cư, quý vị có thì giờ suy nghiệm lời Phật dạy sâu xa tiềm ẩn trong kinh để chúng ta áp dụng cho đúng Chánh pháp. Riêng tôi, hơn 60 năm nỗ lực tìm hiểu và ứng dụng tinh ba của giáo pháp, nên có cái nhìn về giáo lý Phật một cách xuyên suốt. Nhờ vậy, tôi làm đạo vượt qua được những chướng ngại, xin chia sẻ với quý vị những kinh nghiệm này.

Có cái nhìn xuyên suốt là thế nào. Nhìn xuyên suốt là chúng ta dung được tất cả các pháp thì nghiệp, phiền não, trần lao không phát sanh. Không dung được thì trở thành đối lập. Thí dụ một thầy tu Đại thừa, một thầy tu theo Nguyên thủy thì hai người sẽ thấy khác nhau cho đến trở thành đối lập với nhau. Trong khi pháp Phật là pháp giải thoát, nhưng hai người tu tự ràng buộc mình và tự làm khổ mình, làm khổ nhau. Tu theo Phật mà không thấy chỗ dung hóa, nhưng thấy đối lập giữa Nguyên thủy và Đại thừa là điều nguy hiểm vô cùng.

Học giáo lý, hiểu giáo lý và thực hành giáo lý theo thế đối lập thì có phải là đạo Phật hay không. Đối lập luôn chống phá, nói xấu nhau sẽ đi tới địa ngục, không phải Phật đạo. Phật đạo đưa chúng ta đi lên, thăng hoa đạo đức và tri thức, nhưng chúng ta lại đi xuống; cần cân nhắc ý này để không bị đọa. Một thầy tu Khất sĩ và một thầy tu cổ truyền. Thầy tu Khất sĩ chê thầy tu cổ truyền là thầy cúng, nên ghét họ và tập hợp Phật tử để nói xấu thầy cúng; làm như vậy là đã dẫn đệ tử mình theo tà kiến. Thầy cúng cũng có cái hay của họ, khi có người qua đời, hay có người bất an, tất nhiên cũng phải nhờ đến thầy cúng. Tôi quý trọng thầy cúng khi thấy họ chịu cực tụng kinh dẫn vong trong các tang lễ. Tôi không có thì giờ chăm sóc quần chúng theo cách này.

Có thể khẳng định rằng nhìn chung, mỗi người làm một việc thì Phật giáo mang tính cách toàn diện bao dung. Người làm việc của mình vẫn thấy việc quan trọng của người khác, mới có tâm thương yêu và đùm bọc lẫn nhau, thể hiện được nét son của đạo Phật. Còn chống phá nhau là đọa địa ngục. Sống chung một chùa nhưng không bằng lòng nhau là điều nguy hiểm. Chúng ta tu theo Phật, phải tìm cách dung hòa để Phật giáo tồn tại và phát triển.

Trong mùa An cư, chúng ta tập hợp và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Tôi đi trước có nhiều kinh nghiệm tu hành và làm đạo, xin chia sẻ với Tăng Ni để quý vị rút ra được những bài học quý báu mà tiến tu và hành đạo. Còn những gì mà tôi vấp phải thì quý vị tự tránh.

Điều thứ hai là khi sống chung mới có đụng chạm giúp chúng ta sửa sai, cho đến khi ta và đại chúng cùng hòa hợp, không còn đụng chạm là ta đã thành công. Đức Phật có hai hạng đệ tử, một là người không phạm tội là người tốt, hai là người phạm tội mà biết sửa chữa thì đối với những người này, ta vẫn dung họ, mai kia họ cũng trở thành tốt. Khi tôi nhìn về quá khứ, nhận thấy ai cũng có lỗi, nhưng người biết sửa sai thì về sau họ cũng làm nên đạo nghiệp. Người không chịu sửa chữa sai lầm của mình không thể trở thành người tốt. Thật vậy, theo kinh nghiệm riêng tôi, thấy có bạn giỏi, tu tốt nhưng phạm khuyết tật mà không biết sửa đổi, cuộc đời của họ sau cùng rất thảm hại. Tôi muốn nhắc nhở quý vị ý này.

Trong tinh thần dung hóa, tôi có tầm nhìn bao dung, tu sao cho ta có tâm bao dung như Phật bằng cách đầu tiên ta nhìn bạn đồng tu trước. Dù thầy bên cạnh có nhiều sai trái, nhưng tôi nghĩ dù sao vị này cũng có cùng màu áo tu với mình, cùng tôn thờ Phật, nên họ cũng là anh em với mình. Vì vậy, mình biết nhiều hơn thì nên chia sẻ, dìu dắt người. Hôm nay ta khá cũng là nhờ kiếp trước ta đã được người dìu dắt, mới lên được trong kiếp này.

Nhận thức sâu sắc như vậy, sống trong tu viện, trong hội chúng, chúng ta tập bao dung. Bắt đầu thực tập pháp bao dung với những người đồng hạnh đồng nguyện với ta là dễ nhất, ta gắn bó, hợp tác với họ được. Nguyện của chúng ta là nguyện làm Phật mà chúng ta thường đọc tứ hoằng thệ nguyện: Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Tuy nhiên, bước đường tiến tới thành quả này còn rất nhiều khó khăn, cho nên đối với những người cùng hạnh nguyện, ta hợp tác, trao đổi thì dễ dàng hơn. Còn những người cũng tu, nhưng hạnh nguyện không giống ta, ta tạm gác một bên để lần lần bạn thấy việc tu hành của ta đúng, họ cũng chấp nhận theo, bấy giờ ta bao dung, thân thiện, giúp đỡ họ. Thí dụ đơn giản khi tôi ở Nhật về Việt Nam, cái nhìn của tôi là đất nước mới vừa độc lập, thống nhất. Mong muốn của tôi là giữ cho được nền độc lập, vì mình từng trải qua cuộc sống nô lệ của người mất nước, nên đặt mục tiêu gìn giữ đất nước độc lập được đặt lên hàng đầu. Và khi có mẫu số chung như vậy, tôi gặp các nhà sư tham gia cách mạng, gần nhất là Hòa thượng Minh Nguyệt hơn 20 năm ngài bị lưu đày, hay Hòa thượng Thiện Hào cả đời làm cách mạng. Từ cái nhìn tận ngọn nguồn này, tôi rất trân trọng các ngài đã đóng góp nhiều công sức, kể cả mạng sống cho Tổ quốc. Khi tôi thực tình kính trọng các ngài thì những người này cũng chấp nhận tôi dễ dàng; đó là quan điểm đồng nhau. Và từ sự dung hòa như vậy tiến xa hơn, nhờ các Hòa thượng này mà tôi có cơ hội tiếp xúc với các nhà cách mạng khác. Qua Hòa thượng Thiện Hào, tôi gặp cụ Nguyễn Văn Linh và cụ Võ Văn Kiệt.

Nhìn người với niềm trân trọng, đương nhiên họ cũng trân trọng mình. Đừng nhìn người theo thế đối lập. Tìm cái tốt của người mà tiếp xúc, nói chuyện, chắc chắn họ cũng thấy mình tốt. Cụ Võ Văn Kiệt nói rằng ông còn sống là nhờ Phật. Một nhà cách mạng nói như vậy bằng chân tình, vì trong lúc bị Pháp đuổi bắt, ông đã ẩn trốn trong chùa. Gặp cụ Nguyễn Văn Linh, ông nói rằng khi làm cách mạng, ông đã từng lên Yên Tử xem tổ tiên đánh giặc, đuổi giặc như thế nào. Phải nói từ góc độ này, tôi nhìn nhà tu làm cách mạng và những người làm cách mạng với tâm kính trọng thực sự, không có họ thì không có nền độc lập cho đất nước ta. Lên Bình Dương, tôi gặp Hòa thượng Trí Tấn nói rằng ngài làm cách mạng nên đạo được sáng. Tôi cũng đồng ý với ngài điều này. Nhờ những người tu tham gia hoạt động cứu nước và những nhà cách mạng thoát chết vì được sự giúp đỡ của Tăng Ni đã tạo thành mối thiện cảm và sinh hoạt tốt đẹp dành cho Phật giáo.

Nếu các thầy tìm lỗi người mà chê trách thì ai chấp nhận mình được. Ý này được Phật dạy Bồ-tát Địa Tạng rằng tất cả chúng sanh đều tội lỗi, cho nên Địa Tạng cần tìm cái tốt của họ mà thấy và đến cứu độ. Kinh Viên giác dạy rằng nếu là người chân tu nên thấy điều tốt, không thấy lỗi của người. Thật vậy, các thầy thấy lỗi nhiều thì phiền não dễ sanh ra và nghiệp từ đó nổi dậy. Thực tế cho thấy người hay chê một thời gian sau, họ lại làm đúng việc mà họ từng chê trách. Chính vì vậy, Phật dạy người tu không nên đem cái xấu vô lòng; nhưng chúng ta sai lầm thường đem việc xấu, người xấu vô lòng mình, chỉ một thời gian thì cái xấu này trở thành nghiệp, vì chúng ta đã đưa vô tiềm thức mình việc xấu và từ chủng tử xấu này rất dễ khởi lên dẫn đến hành động xấu của ta.

Đem Phật pháp vô tâm, tướng giải thoát hiện. Đem phiền não vô tâm, tướng nghiệp sanh ra. Một người tu thật, nhưng cốt lõi là nhận thức sai sẽ trở thành xấu. Vì người tốt tu, nhưng thấy người khác không tốt, nên họ chê và đem việc không tốt này vào lòng thì ít lâu sau ý niệm không tốt đó biến thành hành động không tốt của họ.

Tôi nhắc các thầy, các huynh đệ cùng một chùa và các đồng môn biết rằng khi đến một xứ lạ mà gặp người tu theo Phật, mình sẽ cảm thấy quý vô cùng. Tôi từng đi nước ngoài, gặp được người tu Việt Nam, tôi rất mừng; nhưng không gặp tu sĩ Việt Nam mà gặp người tu là Nhật, hay Trung Quốc, Thái Lan, tôi cũng nghĩ họ là anh em, nên họ cũng nhìn tốt về tôi. Hiện nay, tôi phụ trách việc đối ngoại, nhưng thực sự công tác này tôi đã từng làm hàng chục năm trước, vì đó là pháp tu của tôi, dù gặp tu sĩ nước nào, tôi cũng thân thiện, quý trọng họ và họ cũng có thiện cảm với tôi. Tôi tu theo Bắc tông nhưng các sư Nam tông Lào, Campuchia, Thái Lan đối với tôi ngày nay rất thân vì trong các cuộc hội họp, chúng tôi gặp nhau nhiều lần và hiểu nhau hơn.

Chúng ta có cái nhìn chung là tất cả mọi người theo Phật giáo và tu hành theo pháp môn nào cũng là anh em, chứ không thấy xa lạ, thì tâm hồn cởi mở rộng lần. Thực tế có một số thầy đố kỵ Phật giáo Hòa Hảo. Theo tôi, Phật giáo Hòa Hảo ít nhất cũng có tên Phật giáo là trùng được với ta phân nửa và từ sự thân thiện này, Phật giáo Hòa Hảo nghĩ đến Đức thầy Huỳnh Phú Sổ, hay Phật thầy Tây An và Tổ Tiên Giác Hải Tịnh đã quy y tế độ cho Phật thầy Tây An. Và trên nữa, họ nghĩ đến Thiền tông, cao hơn nữa là Phật Thích Ca. Họ cũng tu đạo Phật, nhưng có cách nhìn như thế. Chúng ta có thể hiểu rằng Phật giáo khai ra tám mươi bốn ngàn pháp môn tu để đáp ứng tám mươi bốn ngàn phiền não trần lao của chúng sanh. Tất cả chúng sanh nghĩ gì thì Phật pháp đều có mặt đến đó. Vì vậy, trong kinh Duy ma, Phật dạy người muốn tìm Phật đạo thì tìm trong dị kiến ngoại đạo và dị kiến ngoại đạo là suy nghĩ của con người từ thời vô thủy cho đến ngày nay; vì con người sanh trên cuộc đời này là bắt đầu có suy nghĩ, suy nghĩ đủ cách và vô số tôn giáo từ đây ra đời. Chẳng hạn con người nghĩ đến ông địa mới thờ ông địa, nghĩ đến ông thần tài thì thờ thần tài. Và từ thần tài, thổ địa vô hình quy nạp lại là gì? Thí dụ tôi lên Bình Dương làm việc thì phải đảnh lễ Hòa thượng Trí Tấn là vị thổ địa ở đây. Sau này là Hòa thượng Minh Thiện, phải hỏi ông thổ địa này và sau nữa là Ban Trị sự Phật giáo tỉnh nhà là Ban lãnh đạo ở tại địa phương này, hay còn gọi là Bồ-tát bản địa.

Trên tinh thần hòa hợp như vậy, tôi tụng Pháp hoa Bổn môn nói rằng "Sơn thần thổ địa đồng tùy hỷ”, ta đều quý trọng họ. Thần tài là những người ở đây, đã sanh ra, lớn lên, thành đạt và qua đời ở đây, họ vẫn còn. Vì vậy, bàn thờ thần tài được ghi là "Tiền hậu địa chủ tài thần”. Họ sanh trước mình, nếu họ còn ở đây, mình biết điều với họ thì họ ủng hộ mình, nếu họ đã siêu thoát rồi thì thôi. Đó là tư tưởng con người tiến lên thành tôn giáo.

Phật dạy tìm Phật đạo trong dị kiến ngoại đạo, vì suy nghĩ của con người hình thành những tôn giáo đa thần và nhìn sinh hoạt tín ngưỡng mà ta biết được người dân muốn gì. Điều này nhắc chúng ta nên nhớ rằng khi hành đạo đến đâu, phải biết người dân ở đó muốn gì, biết gì và làm được gì để ta đáp ứng. Muốn cứu người phải biết người. Nếu dân còn mê tín, ta thấy có nhiều thầy bói. Mùng 8 tháng Giêng còn cúng sao đội sớ thì biết họ còn tin việc này, mà ta chỉ trích sẽ có hại hơn là lợi, vì họ đang cần như vậy, phá đi thì ai chấp nhận được. Trên bước đường hành đạo, đến đâu nhìn thấy thực tại nơi đó mà biết được dân tình và tùy theo đó mà đáp ứng được yêu cầu của họ. Đáp ứng được, họ sẽ ủng hộ, các thầy Tổ truyền giáo như vậy. Người không theo quy trình này phải thất bại, hay bị họ giết. Xưa kia, Tôn giả Mục Kiền Liên phạm phải sai lầm này, ngài vào địa bàn của nhóm lõa thể ngoại đạo mà tuyên thuyết Phật đạo, bị họ sát hại. Học được kinh nghiệm này, tôi hoằng pháp ít nhất trong 40 năm đã vượt qua những chướng ngại, được an ổn. Nhờ vậy, khi đến An Giang là vùng Hòa Hảo, tôi thấy tâm tư nguyện vọng của họ và theo đó thuyết pháp, trao đổi, giúp họ cùng đi lên. Tôi có nhiều bạn thân Hòa Hảo, nhất là cậu Hai Thanh Sĩ. Tôi hỏi ngài cách sống ở Nhật, nhờ ngài hướng dẫn. Ngài nói rằng thầy muốn ở Nhật thì đừng đụng đến tự ái dân tộc của họ. Ta không biết mà nói càng là tự chuốc họa vào thân. Gặp thổ địa là người đồng hương cùng dân tộc chỉ cho tôi cách sống thích hợp với địa phương.

Tìm dị kiến ngoại đạo trong suy nghĩ của người, thấy ngoại đạo nói gì thì ta biết được suy nghĩ của họ. Và xa hơn, tìm Phật đạo là trí tuệ, vì Phật lấy trí tuệ làm chính. Phật dùng trí quán sát các pháp, chuyển hóa các pháp trở thành Pháp thân. Nói cách khác, Phật nâng hiểu biết đến mức độ cao nhất và dùng hiểu biết đó quán sát, biến các pháp thành Phật pháp là Pháp thân. Chúng ta thay Phật truyền bá Phật pháp phải nắm được yếu chỉ này, nghĩa là phải nâng trí tuệ mình lên cao nhất, thấy sự vật đúng như thật. Kinh Pháp hoa diễn tả ý này là chúng ta biết người nghĩ gì, muốn gì, làm được gì và tùy theo đó, ta giúp đỡ, dạy họ tu. Và họ tu được rồi thì họ ở trong pháp Phật, nên họ trở thành Pháp thân. Trên tinh thần này, ngày nay chúng ta là Pháp thân Phật, vì chúng ta sống, thực hành lời Phật dạy, tuyên dương pháp Phật. Nhờ trí tuệ Phật rọi sáng tâm, ta phát sanh Phật huệ mới tuyên dương Chánh pháp. Vì vậy, cốt lõi của đạo Phật là trí tuệ và trí tuệ ở đỉnh cao nhất biến các pháp thành Pháp thân. Thí dụ tượng Phật Niết-bàn ở trên nóc chùa này là bê-tông sắt thép, nhưng do trí tuệ con người mà hình thành tôn tượng tiêu biểu cho Phật.

Trí tuệ con người làm nên tất cả. Là đệ tử Phật, người tu phải phát huy trí tuệ và thâm nhập pháp, chuyển các pháp trở thành Phật pháp. Chính vì vậy, trong xã hội ngày nay, nếu có nhiều nhà sư có trí tuệ sẽ ảnh hưởng tốt cho nhiều người, giúp đất nước phát triển là xây dựng con đường Phật giáo hưng thạnh. Nếu không giúp ích được cho xã hội, người nghĩ việc này, ta làm việc khác, họ sẽ bỏ rơi Phật giáo, Phật giáo sẽ chìm vào lãng quên, nghĩa là Phật Niết-bàn.

Đạo Phật có tám mươi bốn ngàn pháp môn tu đều có một vị giải thoát. Vì vậy, mỗi người tu một pháp là điều bình thường, nhưng quan trọng chúng ta phải có tâm bao dung, chấp nhận những việc tốt lành của mọi người và đem vô lòng mình những việc tốt đó. Khi chúng ta có tấm lòng tốt với người, người sẽ có ý tốt với ta.

Tôi xin chia sẻ tinh ba này của Phật pháp. Mong các thầy cô có tấm lòng bao dung, ở trong pháp Phật tu hành và có tâm bao dung với các tôn giáo khác trong tỉnh nhà, bao dung với quần chúng tỉnh nhà. Và trên bước đường truyền bá Chánh pháp với tâm bao dung khiến người nghĩ đến chúng ta mà quý trọng đạo Phật, như vậy chúng ta xứng đáng thay Phật giáo hóa làm lợi ích cho nhiều người. Cầu Phật gia hộ cho quý thầy cô luôn an lạc trong Chánh pháp.

Phật Giáo Trong Cuộc Sống


Ý nghĩa hai chữ tu hành
Hiểu đúng nhân quả nghiệp báo
Có địa ngục không?
Ý nghĩa chữ tu
Làm lại cuộc đời
Hạnh phúc từ những điều bình dị
Vượt qua trầm cảm
Trút bỏ gánh nặng
Sức mạnh của ý chí
Thân phận con người
Vượt qua bệnh tật
Họa phước vô môn
Phòng Hộ Tâm
Hướng Về Tương Lai
Phát Khởi Lòng Kham Nhẫn
Điều Chỉnh Áp Lực Cuộc Sống
Đời Sống Đạo Đức
Giao Tiếp Bằng Trái Tim
Đời Sống An Lạc
Dọn Rác Trong Tâm
Suy nghĩ về kiếp người
Báo Hiếu Cha Mẹ Theo Phật Dạy
Tấm lòng bao dung
Quán Nhân Duyên
Tìm Lại Chính Mình
Đạo Phật Đào Tạo Để Sử Dụng
Chọn Pháp Môn Tu Để Giải Thoát
Nguồn Mạch Tâm Linh
Lắng Nghe Tâm Mình
Báo hiếu theo Kinh Vu Lan
Vượt Qua Cám Dỗ Danh Vọng
Trái Tim Nhân Từ
Yếu Tố Sống Hạnh Phúc

Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

044

 Chong Chóng chỉ quay khi Trời xanh có gió
        Và anh sẽ cười khi nơi đó có em.


TRANG CHỦ
Tử Vi   Góc Suy Ngẫm   Phật Giáo   Ngày Vía Thần Tài  
Truyện Teen   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Ảnh Vui   Hình Nền   Thủ Thuật FB  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo 

 Mọi thắc mắc xin liên hệ theo số điện thoại: 0902257684 (Tin nhắn) hoặc facebook https://m.facebook.com/tuvidauso


 Bạn đang truy cập http://tratuvi.mobie.in




C-STATU-ON1